Giòng Trôm, Bến Tre

Ngày khởi đầu

Thu Ba xin tường trình và ghi nhận thêm về tấm hình chụp ngày đặt viên đá đầu tiên cho trường ở Bến Tre dưới đây. Rõ hơn là ấp 3, xã Hưng nhượng, huyện Giòng trôm, tỉnh Bến Tre.

(Cầu Miễu vừa hòan thành tháng 9.2006)

Vài người có mặt trong hình là những nhân vật quan trọng trong việc xây trường mà Thu đã gặp hồi tháng 7 vừa qua. Bác đội mũ trắng là bác Diệu Liên sẽ trực tiếp có trách nhiệm xây dựng cho đến khi trường được hòan thành. Người mặc áo xanh ngòai bìa bên phải là Bí thư Xã, rất tích cực trong việc đưa đoàn đi tham quan địa điểm xây trường. Chị sẽ hỗ trợ cho bác Diệu Liên trong mọi việc hành chánh tại đây.

Bác Diệu Liên cũng là người vừa lo xây xong một chiếc cầu sắt gần ấp 3 này, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các em học sinh từ các ấp khác sang sông đến trường. Nếu không có chiếc cầu vừa xây, học sinh sẽ phải đi một đường vòng thật xa, khoảng từ 2-4 cây số.

 

Các em ở ngay ấp 2 và ấp 3 không cần qua sông, nhưng sẽ phải lội sình trên ngõ vào trường (khoảng hơn 1 cây số) khi trời mưa. Thu cũng đã tự "bắt ếch" vài lần trong ngày đi chọn địa điểm xây trường ở đấy rồi. Các bác Ba Tri ai nấy đều cười vang vì thấy ngộ nghĩnh làm mình phát ngượng, nhưng cũng đành phải cười tươi theo mặc dù cũng khá là ê ẩm! Học sinh có đứa lại rất thích trò "Achterbahn" này ghê lắm, nghe các bác kể như thế, nhưng chúng nó nghịch ngợm với sình lầy xong là nhảy xuống sông lạch gần đấy bì bõm tắm. Vừa sạch sẽ, má không la rầy, lại vừa thỏa chí đùa vui!

 

Mảnh đất này được Ủy ban xã chính thức cấp và chứng nhận cho xây trường học, thật ra là của bác Đức tóc bạc đứng bên trái (3.), quần xắn lên cao. Bác đã hiến đất cho nhà nước từ lâu với nguyện vọng là xây trường học, vì bác có nhiều cháu đang còn đi học. Chiều nào bác cũng chờ các cháu tan học về từ các trường học xa xôi gần huyện và đếm cho đủ số! Từ niên học năm nay, không chỉ riêng bác Đức mà các gia đình ở ngay bên kia sông khỏi lo trông ngóng lâu vì đã thành tựu được một lúc 2 ước mơ: 1 mái trường và 1 chiếc cầu.

 

Trong hình còn thiếu bác thầu xây dựng là bác Thạnh, tiếc quá. Nhà bác ở ngay bên kia sông, dưới chân cầu. Lúc chưa xây cầu, bác vẫn đưa người sang sông bằng chiếc bè mà “lái đò” chủ yếu là đôi chân và cánh tay của người dựa vào sợi dây căng 2 bên sông. Các bác để ý thấy một bác búi tó củ hành trên đò không? Đấy chính là người đã thiết kế và xây dựng chiếc cầu Miễu ngang qua sông này trong vòng chưa đầy 2 tháng! Các vật liệu đều được đưa vào từ cửa sông bên phải, không có chiếc xe vận tải nào lọt được vào các ấp nhỏ tí này.

 

(“Trường” tiểu học Ấp 6, thời gian từ 19..-2005)

Nhỏ tí vậy mà trẻ con sao mà nhiều thế! Riêng học trò 3 ấp gần đấy là gần 70 đứa. Chúng đi học trước đây là đến ấp 6. Tổng cộng 4 ấp là gần 120 em học sinh tiểu học! Trường ấp 6 hiện đã bị đóng cửa vì không còn bảo đảm an toàn nữa. Các em học sinh ở đây trong niên học này sẽ phải ở nhà vì chưa có cơ sở trường lớp mới. Cũng vì lý do này mà Viethife đã chọn địa điểm tại ấp 3 để tiến hành xây trường mới. Đúng là thuận lợi vô cùng vì trường nằm ở trung tâm các ấp kể trên, đồng thời lại có được cây cầu bắc sang.

 

Tại địa điểm đã chọn, chúng ta xây 2 lớp học, 1 phòng dành riêng cho giáo viên, 2 nhà vệ sinh, 1 giếng nước và 1 hồ chứa nước.  Giống như các trường khác, quy định kích thước, vật liệu xây cất về lớp học và thiết bị giáo khoa đều được giữ đúng. Ngoài ra còn có 1 đường đi nhỏ lát đá từ cổng trường vào lớp học. Sau này, dự định của chính quyền là sẽ phát triển thêm các lớp học ở hai bên cánh trái và phải, nên các lớp hiện giờ phải xây tuột sâu vào bên trong mảnh đất (rộng hơn 2000m2). Sân chơi như vậy là rất rộng, chỉ có một vấn đề là khi mưa to, đất lại trở nên sình lầy trơn trượt, vì thế nên yêu cầu cao nhất riêng cho trường này là con đường đi vững chắc từ ngoài vào trong để các thầy cô khỏi phải mất nhiều thì giờ thay quần áo! Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm chi viện cho cả khoản này…

Hôm quyết định chọn mảnh đất này để xây trường sau khi tham quan hơn 3 địa điểm, các bác trong xã đều hân hoan và nói rằng ngày mai sẽ bắt tay vào làm việc ngay tức thì, còn trợ cấp thì từ từ đến sau cũng được! Mà quả đúng như thế, bác Diệu Liên sau đó có kể rằng, các gia đình gần đấy đã cùng nhau đến vét mương, đổ thêm đất san mặt bằng nơi 2 lớp học sẽ được dựng lên. Bây giờ thì chương trình xây dựng từ khâu đào móng đã bắt đầu. Nguyên vật liệu đưa vào đây chỉ có thể bằng đường bộ hoặc bằng ghe thuyền ghé mé sông có chiếc cầu Miễu vừa hoàn thành, nhưng từ sông vào công trường cũng phải vác lên vai hay thồ xe đi bộ.

Dự định sẽ khánh thành trường tiểu học Giòng Trôm này trong vòng 2 tháng nữa, nếu thời tiết cho phép. Khoảng 120 học sinh hiện đã chia nhau nhập học ở các trường ngoài huyện. Trời vẫn thường hay mưa, đường vào trường mới sẽ còn rất lầy lội, nhưng các cháu sẽ rất vui mừng có được một gian lớp “riêng” gần nhà.

Ai có về ngang Giòng Trôm, Bến Tre nhớ ghé thăm...